bài ca dân chủ

  • Cô Gái Đồ Long

Cách đây mấy tuần, sáng ngủ dậy có đứa bạn gọi nói: “Mới nghe đồn Duy Quang mất rồi, nhưng gọi nhà thì biết là đang cấp cứu, chừng nguy kịch. Cũng vì vậy mà biết được tin Phạm Duy cũng ngã bệnh, nặng.” Rồi Duy Quang được đưa về Mỹ chữa trị. Hôm qua nay, mấy bạn bên đó tin về: anh hiện đang bị ung thư gan giai đoạn cuối và bác sĩ điều trị trực tiếp cho biết là tình trạng bệnh tình coi như hết phương chữa trị, đang ở Orange Coast Hospital. Mắt đã chuyển màu vàng và da sạm đen, nhìn sắc diện khó còn nhận ra Duy Quang. Hiện đã không ăn uống gì được cả, chỉ chuyền sirum thôi. Mong cho anh qua được!

Duy Quang sinh 1950. Còn quá trẻ!
Ngày xưa, những năm đại học ở KTX, 6 đứa con gái sống một phòng mà hết 5 đứa mê Duy Quang. Hồi đó, chỉ có catsette, “Thà như giọt mưa” (Duy Quang 3) được mấy tui nghe tua đi tua lại tới nhão băng. Thích anh hát Hẹn hò, Hai năm tình lận đận, Chuyện tình buồn, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Em hiền như Ma Soeur, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Thà như giọt mưa…Tới giờ, nhiều năm trôi qua mà tui vẫn nhớ như in hình ảnh nhỏ Thu Duyên buồn chuyện tình yêu hay ngồi cửa sổ phòng thòng chưn xuống lầu gảy đàn hát đi hát lại: “Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn. Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên…”.

Đó là thời đỉnh cao của Duy Quang. Đây cũng là giọng hát tui hâm mộ nhất suốt thời sinh viên của mình. Sau này làm báo, khi Duy Quang về nước, thường hay đi lê la trò chuyện với nhau, tui đã không còn thích nghe anh hát nữa. Giọng cũng đã xuống nhiều, tuổi chiều mà; nhưng chủ yếu là do quan điểm tui nó vậy. Không có thần tượng ai khi đi viết về giới nghệ sĩ, để tỉnh táo và không bị nhiều cảm tính chi phối. Duy một lần, tui lại thích nghe anh hát bài này; Duy Quang bảo nó là bài Phạm Duy sáng tác những năm đầu 90, sau khi Chủ Nghĩa Xã Hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan vỡ; với hàng loạt các cuộc cách mạng năm 1989, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, Tiệp Khắc giải thể, sự kiện Lithuania, sự kiện Latvia… mở ra cơ hội giao lưu Đông – Tây rộng rãi và cởi mở hơn, khi các biên giới dần được xóa nhòa. Và, kèm theo đó là phong trào dân chủ ở Trung Quốc bị đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới của Đảng Cộng Sản. Chỉ nghe Duy Quang hát một lần, tinh thần người hát và của cả bài hát phơi phới, nghe lạc quan lắm. Đôi chỗ anh phải ngừng vì quên lời. Giờ tui muốn nghe lại bài này, nó rất hợp với giai đoạn biến chuyển của xã hội; nhưng tìm cũng chỉ có ca từ…

BÀI CA DÂN CHỦ
– Phạm Duy.

Chỉ có là điên thì mới thản nhiên,
Tay ôm tay giữ bạo quyền độc tôn
Nên không nghe tiếng dân ca dân chủ
Nên không nghe tiếng dân ca dân quyền
Mùa Hè Bắc Kinh.
Cả một đời tôi chỉ là lìa đôi
Chia ly ngăn cách bằng bờ tường thôi
Nên tôi sung sướng nghe câu dân chủ
Nên tôi sung sướng nghe câu dân tình
Đục tường Bá Linh.
Người Tầu già nua cho nên lỡ hẹn
Máu chẩy đầm đià lụt cổng Thiên An.
Người miền Đông Âu đêm vui Thiên Chúa
Giáng Sinh nhận quà là món tự do
Chỉ thấy mừng rên nhìn thấy đời lên.
Đông Âu rét mướt trở về mùa Xuân.
Vươn lên trong tuyết bông hoa dân chủ
Vươn lên không chết bông hoa muôn đời
Để Tiệp Khắc vuị
Một mảnh trời Âu từng chịu khổ đau
Bao quanh giây thép tưởng là dài lâu
Con tim êm ái con tim dân chủ
Con tim dân đã xuyên qua lao tù
Hàng rào sắt cọ

Vì bạo quyền ngu nên rơi lỗ thẳm
Máu chẩy đền bù lệ cổng Thiên An
Kẻ độc tài quên Ba Lan, không nhớ
Cuối năm nhận quà là chết không mơ !

Chỉ thấy phải xa chủ nghĩa màu da,
Phân chia giai cấp … chỉ là nhục ô
Vươn lên trong gió, Phi Châu dân chủ
Không phân da trắng hay da đen mờ
Cuộc đời chúng ta …
Rồi thấy thật vui được sống cùng ai
Trong thiên niên mới hoà bình mọi nơị
Ai vô duyên đó tay ôm chưa cởi
Xin nghe dân hát lên ngôi đây rồi
Mở đường lối maị

Xin nghe cho kỹ câu ca dân chủ
Xin nghe cho kỹ câu ca dân quyền
Mùa hè Bắc Kinh
Vượt tường Bá Linh
Trời Tiệp Khắc xanh
Còn nhiều nữa anh !
Còn nhiều nữa em !
Còn nhiều nữa anh !

Hy vọng Duy Quang có được phép màu như họa sĩ Trịnh Cung đã từng, muốn nghe anh hát lại. Có lần Phạm Duy cũng kể, ông đã nhen nhóm ý định trở về sau khi viết bài này, nó khá quan trọng trong cuộc hồi hương của nhà Phạm Duy; đặc biệt là Duy Quang: lấy vợ, kinh doanh, ca hát…

theo facebook Cô Gái Đồ Long

Leave a comment