con chim lẻ bạn

Nhận được bài nhạc của nhatnguyen52 gửi trên Face Book, lòng bồi hồi quá với một thuở của tôi và của Bạn nên post lại bài tạp ghi 12 năm cũ này…

www.nhaccuatui.com

Lê Uyên Phương 1970

Con chim lẻ bạn

trầm hương (ut)

  • Salt Lake- tháng 7, 1999

“Chúng tôi hân hạnh giới thiệu mười hai tình khúc do nhóm Nghiên Cứu Nghệ Thuật Âm Thanh tuyển chọn trong số 5 tập ca khúc của Lê Uyên và Phương. Sau đây là giọng ca của Lê Uyên cùng với sự phụ họa và tiếng Tây ban cầm của Phương.”

Tiếng nhạc dạo đầu. Người đàn ông trầm trầm giọng Bắc kỳ điềm đạm từng lời giới thiệu chậm rãi. Nhạc dạo tiếp theo một khúc rất ngắn và chấm dứt. Tiếng đàn guitar của Phương buông từng nốt rời bắt vào giọng hát đam mê chất ngất của Lê Uyên trong ca khúc nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi của đôi vợ chồng nghệ sĩ: Vũng lầy của chúng ta.

Cuộn băng cassette cũ xưa không hiểu vì lý do gì đã lưu lạc ra tận bếp, nằm chơ vơ trên đống báo lúc nào cũng um xùm một góc quầy. Cuộn băng được sản xuất bởi hãng Sony, bình thường như mọi tape cassette mua ở tiệm nếu không thấy một mảnh sticker in hàng chữ Lê Uyên Phương dán ở mặt A; và nơi mặt B bên kia, là dấu mộc cao- su với tên trung tâm sản xuất : Phượng Hoàng/ 54250 West First Street/ Santa Anna,Ca 92703.

Cái hình thức thô thiển của băng nhạc cho thấy có lẽ đó là một trong những tape cassette được sang lại từ một băng nhạc của Lê Uyên và Phương hát trước 1975 – năm định mệnh của cả một dân tộc- và tung ra thị trường Hoa Kỳ thuở những người Việt tỵ nạn đầu tiên đến nước Mỹ. Đó là thời mà tất cả những gì liên hệ đến một quê hương phải bỏ lại sau lưng đều được trân quý. Trân quý như sự gặp gỡ tình cờ giữa hai người đồng hương, không cần quen hay lạ, chỉ nghe được người đối diện nói chung ngôn ngữ mẹ đẻ, người ta đã có thể kết bạn và… mời ngay về nhà. Cô đơn trên đất khách xa lạ, nhu cầu tinh thần của những con người ly hương đã khiến những tape nhạc mang giá trị của một-thời-không-thể-nào-tìm-lạI-được đó chào đời.

Tape cassette, không cả vỏ ngoài, nằm chơ vơ trên đống sách báo cũng cả mấy tuần lễ. Mỗi ngày, sau khi lau dọn và đẩy các thứ linh tinh trên quầy vào một góc, tôi lại cẩn thận để cái băng nhạc lên trên cùng của đủ loại giấy tờ, báo bổ ấy. Lười cất đi và lười cả nghe lại. Tôi thầm nghĩ, chắc hẳn đó là một băng nhạc rất… dở bởi vì chỉ là một băng sang lại vào cái thời phôi thai nhất của âm nhạc VN hải ngoại, thuở thiếu thốn phòng thâu cũng như cả phương tiện kỹ thuật thâu âm hiện đại. Điều khó tin là mặc dù rất thích âm nhạc, tôi hiếm khi tự tay mua băng. Và cái khối băng nhạc đủ thời, đủ thể loại chúng tôi có ở nhà là do công trình nhà tôi đã lọ mọ sưu tập. Đôi khi, dường như người đàn ông chắt chiu kỷ niệm hơn đàn bà.

Một trưa thứ Sáu đầu tháng Bẩy, Ngọc- cô bạn thân của tôi ở San Diego – điện thoại đến như thường lệ. Sau những chuyện loăng quăng rất phụ nữ, Ngọc đột nhiên kêu lên: TH biết gì không? Ông Phương chồng bà Lê Uyên chết rồi đó! Tôi sững sờ, không tin điều mình vừa nghe : Có thật không? Sao không nghe nói ông ấy bệnh hoạn gì hết? Ngọc quả quyết: Radio dưới đây loan tin tùm lum rồi. Tưởng H trên ấy phải biết chứ?

“Ông” Phương đã chết! Tôi không quen biết gì anh nhưng nhạc của anh đã gắn liền với thời tôi mới lớn, thời của tình yêu học trò đầu đời tinh khiết như những giọt sương dễ vỡ. Thế hệ chúng tôi trưởng thành đúng vào thời gian chiến tranh Nam – Bắc giữa chủ thuyết Tự Do và Cộng Sản đang lên đến cao độ. Thân phận con người trong cuộc chiến nhỏ nhoi, sinh tử dễ dàng dưới hai lằn đạn. Chiến tranh và chết chóc chia lìa, cái định luật bất biến trong bom đạn. Cùng thời với nhạc Lê Uyên Phương là dòng nhạc của những nhạc sĩ trẻ khác như Trịnh công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, mà những ca khúc của họ được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên, học sinh lúc bấy giờ.

Nhạc của Lê Uyên Phương rất mới, rất lạ về ngôn ngữ, giai điệu cũng như cung cách trình diễn của đôi vợ-chồng-tình-nhân-nghệ-sĩ. Không có dấu tích chiến tranh trong lời nhạc của anh. Anh viết nhạc thuần túy cho tình yêu đôi lứa, về sự chia xa dù hạnh phúc đang trong vòng tay. Nhạc của anh nghe như lời khắc khoải kêu gào của người tình đến với người tình. Ngôn ngữ anh dùng hừng hực lửa đam mê, đôi khi, táo bạo không che dấu:

… Hãy ngồi xuống đây, như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng. Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ. Hãy ngồi xuống đây, hôn nhau lần này, Hãy ngồi xuống đây, cho nhau lần này, Hãy ngồi xuống đây, chia tay lần này.
Hãy ngồi xuống đây, vai kề sát vai cho da thịt này. Đốt cháy thương đau cho cơn buồn này, rót nắng truy hoan cho thiên đường này, bốc cháy trong cơn chia phôi, chia phôi tràn trề. Hãy ngồi xuống đây, bên con vực này, ngó xuống thương đau.

Tôi không may mắn được xem những buổi trình diễn “sống” của anh chị nhưng qua màn ảnh truyền hình, ấn tượng anh chị để lại trong tôi là hình ảnh toàn vẹn nhất của tình yêu. Ánh mắt nồng nàn say đắm khi anh chị nhìn nhau. Dáng dấp nghệ sĩ của anh Phương với tiếng guitar luôn biến chuyển qua rất nhiều hợp âm cùng cách chơi đàn đa dạng của anh. Nỗi đam mê chất ngất hòa tan vào lời nhạc của Lê Uyên cùng chất giọng thổ khàn khàn đầy quyến rũ, không chút làm dáng của chị đã một thời dấy lên và vẽ vời trong tôi giấc mơ tình đầy lãng mạn. Nỗi chia xa hiện hữu gần như thường xuyên trong lời nhạc của anh dạo ấy được giải thích bằng một cái bướu ung thư nằm trên một ngón tay nào đó của bàn tay phải. Và có phải vì vậy, trong hạnh phúc của anh chị đã thấp thoáng bóng tối của chia ly?

Tôi yêu nhạc của anh, thuộc nằm lòng hầu như gần hết những ca khúc anh sáng tác, giữ trong trí hình ảnh đẹp đẽ của đôi-vợ-chồng-tình-nhân-nghệ-sĩ qua bao năm tháng như gìn giữ hình ảnh của một thần tượng. Khoảng năm 1982, trong một lần đi phố, mặc dầu đời sống chúng tôi còn ở mức … nghèo khổ của nước Mỹ, chúng tôi cũng đã không ngần ngại mua băng nhạc anh chị vừa phát hành: Khi Xa Saigon. Cuốn băng đã cho tôi thấy cái thay đổi hoàn toàn của anh Phương trong suy nghĩ. Nếu khi xưa, anh viết nhạc cho tình yêu, vì tình yêu đôi lứa thì bây giờ, anh chuyển hướng nhìn vào con người như một triết gia lặng lẽ theo dõi dòng đời. Anh can đảm từ bỏ cái chủ đề ăn khách của nhân loại – tình yêu – để bước vào những suy tư của chính mình về thân phận con người. Nhạc của anh như những lời nói, những thông điệp đánh thức lương tâm và lương tri hơn là nhạc nghe để giải trí vui tai. Vì thế, có lẽ đại đa số đã khó có thể thưởng thức những nhạc phẩm mới này và số người nghe chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cũng trong băng nhạc trên, anh cho thấy hơi nhạc vẫn là của anh, Lê Uyên Phương, với dấu ấn riêng mình trong những ca khúc được phổ từ thơ như Khi Xa Saigon ( ý thơ K.T ), Tôi Muốn Yêu Muốn Tin Cuộc Đời ( Ý thơ N.X.T ), Ở Đây Thôi Ở Đây Đành ( Thơ Người Ở Lại ).

Lê Uyên Phương tên thật là Lê Văn Lộc, sinh tại Đà Lạt năm 1941. Mê âm nhạc từ nhỏ, anh đã tự học guitar và sáng tác đầu tay được viết năm 1960. Anh tâm sự: Tôi chơi đàn từ khi còn bé và tôi đã không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để học hỏi và tìm tòi. Tôi không có định kiến trong âm nhạc và sẵn sàng tiếp thu mọi loại hình, mọi khuynh hướng âm nhạc đến từ bất cứ đâu. Tôi yêu tất cả những nhạc phẩm, từ cổ điển đến hiện đại thật sự có giá trị và đã học hỏi từ đó một chút gì. Có thể những gì tôi yêu thích quá nhiều cho nên chúng ẩn hiện đâu đó trong nét nhạc của tôi mà cảm giác tôi không hề nhận ra.

Đối với anh, âm nhạc và cuộc đời gắn liền làm một , trong đó có tình yêu và mọi thứ liên quan đến cuộc sống. Anh không viết ca khúc bằng sự tưởng tượng. Anh viết bằng chính hơi thở của anh trong cuộc sống thường ngày. Vì vậy, điều anh mong muốn là những ca khúc của anh có được sự thật thà đối với anh và thật thà đối với cả những người nghe chúng.

Cuộc hôn nhân với Lê Uyên vào năm 68 đã khơi thêm sức mạnh cho anh sáng tác. Từ năm 1970, anh chị khởi sự trình diễn dưới tên chung là Lê Uyên và Phương. Đôi uyên ương Lê Uyên và Phương đã tháp cánh cho nhau, bay trên vùng trời âm nhạc, tạo ra một không khí mới lạ cho nền âm nhạc VN thuở ấy.

Biến cố 1975 đã gây nên một định mệnh khắc nghiệt cho người dân miền Nam. Gia đình anh chị theo dòng người vượt biển năm 1979, đến Indonesia và cuối cùng, định cư tại California, Hoa Kỳ. Đôi uyên ương đã rã cánh sau một thời gian sống trên vùng đất mới. Tôi vẫn quan niệm, trong tất cả những cuộc chia tay của đời sống vợ chồng đều có những lý do thầm kín mà chỉ hai người trong cuộc mới thấu hiểu. Vì vậy, sự chia tay của đôi-vợ-chồng-tình-nhân-nghệ-sĩ không khỏi gây cho tôi nhiều nỗi ngậm ngùi. Nhất là khi đó là hình ảnh đặc trưng toàn vẹn nhất của tình yêu mà tôi đã mang theo như hình ảnh của cái đẹp hằng cửu.

Vài năm gần đây, tôi đón nhận tin anh chị hát lại với nhau trong nỗi hân hoan như bắt gặp quá khứ mình. CD đầu tiên đánh dấu ngày hai tiếng hát kết hợp trở lại được phát hành cách đây khoảng hai năm. Bạn tôi, Mỹ Ngọc ở San Diego, đã mua và gửi lên tặng tôi ngay trong tuần lễ đầu đĩa CD chào đời. Dường như ở một tuổi nào đó, người ta nghe nhạc bằng hồi ức, bằng kỷ niệm mà không bằng đôi tai nên những bài hát một thời in đậm dấu trên trái-tim-con-gái-mỏng-manh vẫn khiến tôi xúc động, dù tiếng hát của người nhạc sĩ và ca sĩ có theo thời gian mang chút biến đổi.

Lê Uyên Phương đã chết. Anh từ trần tại nhà thương UCI vào trưa ngày 29 tháng 6, 1999 vì bệnh ung thư phổi, hưởng dương 59 tuổi. Cái chết chẳng buông tha ai như một định luật bất biến của lẽ tử sinh. Tôi thở dài, nhìn thấy tất cả sự vô thường của đời sống. Cuốn băng cả mấy tuần lễ nằm vất vưởng trên counter bỗng trở thành một tài sản vô giá. Tôi bùi ngùi bỏ vào máy, lặng nghe. Kỹ thuật thâu âm ngày xưa thua xa phương tiện hiện đại nhưng chính vì không có bàn tay phù thủy của kỹ thuật, tôi mới cảm nhận được hết cái không khí của Lê Uyên Phương. Tiếng đàn guitar khi dồn dập vũ bão, lúc rời rã. Tiếng đàn gửi đến người nghe trái tim của người nhạc sĩ được diễn tả trọn vẹn bởi chính người nhạc sĩ. Giọng hát Lê Uyên nồng nhiệt đam mê, lôi cuốn người nghe vào thế giới tình yêu có hạnh phúc, có rã rời, có chia ly của chính anh chị.
….
Thuở ấy, họ đã là đôi uyên ương như trong huyền thoại Uyên Ương. Huyền thoại kể rằng, Uyên Ương là tên của hai con chim, một trống một mái. Mỗi con chim chỉ có một cái cánh. Vì vậy, muốn bay được vào bầu trời xanh, chim Uyên phải tháp vào chim Ương thành một cặp, cho chúng có đủ đôi cánh như tất cả những giống chim khác hầu bay được trong đời…

Lê Uyên Phương đã chết. Con chim đã lẻ bạn. Người bạn tình, người bạn đường trong đời sống và trong nghệ thuật của chị đã không còn. Nơi đây, tôi nghe nói chị đã khóc, không thốt được tiếng nào khi đài phát thanh phỏng vấn…Tôi thật muốn chia sẻ cùng chị nỗi đau như sự biết ơn của một người đã nghe, đã lớn, đã chớm ươm mơ từ những ca khúc của anh cũng như đã hát rất nhiều lần những ca khúc anh viết. Những người nghệ sĩ, bằng một cách nào đó, đã để lại cho đời những kho tàng vô giá mà có khi họ không hề hay biết. Tôi nghĩ đến những ca khúc của anh, hình ảnh đôi Uyên Ương gẫy cánh. Tôi hình dung con chim lẻ bạn như hình dung ra sự hụt hẫng của chị…

… Thuở ấy, họ đã là đôi uyên ương như trong huyền thoại Uyên Ương…

Lê Uyên Phương, Hoa Kỳ 1984

và BẠN TÔI hát nhạc LÊ UYÊN PHƯƠNG 🙂 Nghe cũng ray rứt lắm chứ ! Ray rứt vì Bạn hát bằng trái tim của những người ĐÃ YÊU, ĐANG YÊU và CÒN YÊU NHAU  “đến muôn đời sau” (PD)

One thought on “con chim lẻ bạn

  1. nhatnguyen52 says:

    Ngày đó họ chở nhau trên chiếc Velo solex đi hát lúc ở Sài Gòn.Dễ thương vô cùng.

    Like

Leave a comment