chuyện cũ

  • trầm hương (ut)

đọc được trên blog của tác giả Quỳnh Ngọc dòng tâm sự về chuyện cũ, xin được mạn phép tác giả mang về mp’s florist blog.

xe truck "molotova" của Nga

Nghe lại chuyện cũ của Quỳnh Ngọc, hiển hiện trong trí tôi là chiếc xe molotova, trên đó mấy chục vợ con người cải tạo đứng chen chúc cùng vài anh “vệ binh”. Những con người thường xuyên bị xô đẩy, chực ngã khi xe nẩy lưng tưng trên con đường đất mòn, đầy ổ voi ổ gà gập ghềnh đi vào “trại cải tạo” Suối Máu.

Đừng than! Có được chiếc xe chở đoàn phụ nữ hốc hác, tay bưng tay gánh thất thểu thăm nuôi chồng, cha, anh “cải tạo” như vậy là may lắm rồi.

Tôi nhìn thấy tôi òa khóc khi bóng dáng Cha xuất hiện trên mô đất, lạ lùng và thê thảm. Không chỉ một mình Cha, những người sĩ quan Ngụy đều như nhau. Đen đủi, rách rưới, xác xơ.

Đó là chuyện của tôi. Còn bây giờ , hãy nghe Quỳnh Ngọc  kể lại chuyện cũ. Những câu chuyện tương tự như nhau, chỉ khác người kể.  Một giai đoạn ô nhục của lịch sử khiến vết thương cứ đến 30 tháng Tư là rách toác. Làm sao quên được “khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” (Cựu Thủ tướng Cộng Sn VN Võ Văn Kiệt)

Dấu mốc lịch sử. Vết thương gần 36 năm chưa lành.

Một Lời Hứa

Ngày 13 tháng 6 năm 1975,

Hẹn con, ba mươi ngày

Nghĩa bốn tuần con nhé!

Và có nghĩa…

Chỉ vỏn vẹn một tháng

Ba trở về…

Kiếp dân dã bên con.

Anh gạch chấm, đếm dần trên tờ lịch,

Chị kẻ quanh, trông thích lắm, Ba về!

Con chắp tay ao ước lời nguyện thề,

Gặp lại Ba, ôm chầm không xa nữa.

Ngày 13 tháng 7 năm 1975,

Đến ngày rồi đó anh!

Anh quay mặt vào góc.

Chị ơi sao chị khóc?

Ba sắp về, đón nhanh!

Một ngày qua quạnh quẽ

Bao tháng tẻ nhạt rời

Năm mòn vẫn vắng vẻ

Ba ơi, chẳng giữ lời?

Ngày…tháng…năm…,

Ba con đấy, hãy ôm Ba, mẹ nói

Bộ xương người đội uất hận khổ đau

Con lùi bước, nép sát mẹ, tránh lối

Con giận Ba,

Quên lời hứa năm nào…

cánh quỳnh

Đã 35 năm, không phải là ngắn và không quá đủ dài để có thể quên đi quãng thời gian ấu thơ.  Chỉ vừa vặn tròn Kỷ Niệm, không bao giờ có thể nào quên.

Quỳnh Ngọc

Đông Sang

Kính tặng Mẹ đã ngậm đắng nuốt cay trong các trại tù cải tạo

Tôi biết chắc một điều là ít ai thật sự thích mùa Đông – mùa của không khí lạnh lẽo với những cơn mưa dầm dề, gió rét lạnh căm, cảnh vật đìu hiu, mây trời xám ngắt.  Riêng đối với tôi thì mùa Đông đã mang lại cho tôi một cảm giác thật đặc biệt, ngoài sự buồn tênh phải có khi đối diện với những cái “xấu xí” của nó.

Tôi thường có thói quen dạo phố trong khí tiết Đông sang.  Có khi ngồi thẩn thờ chỉ nhìn ngắm người qua lại hối hả trong những buổi ăn trưa ngắn ngủi tại chỗ làm.  Chỉ nhìn vào từng màu áo lạnh của mỗi người đã thấy mùa Đông đẹp một cách lộng lẫy.  Nào áo da màu đen, loại áo mưa bóng màu xanh màu đỏ, áo lông sặc sỡ với những đường viền, rồi có cả nón cả găng tay.  Nhìn vào dòng người như những chiếc cầu vòng gờn gợn, không còn bảy màu sắc nữa mà bây giờ là hàng ngàn màu đậm nhạt khác nhau, lung linh dưới ánh nắng dìu dịu của mùa Đông.

Tôi thích nhất là áo len.  Những sợi len vừa mềm vừa ấm đan chéo vào nhau quyện thành những vòng quay sưởi ấm trong những ngày giá buốt.  Tôi có rất nhiều áo len kể từ ngày đặt chân đến quê hương thứ hai Hoa Kỳ này nhưng tất cả cũng chỉ là một chiếc áo len được chọn mua từ hàng ngàn hàng trăm cái khác nhau ngoài tiệm.  Chẳng khác gì đâu!  Nhưng tận sâu trong cõi lòng tôi vẫn còn hiện rõ chiếc áo len đầu tiên trong đời từ tay Mẹ đan.

Năm ấy cũng vào mùa Đông.  Trời Sài Gòn thì thật sự khó nhận ra cái chuyển tiết của bốn mùa rõ rệt. Nhưng có điều, mùa Đông ở Sài Gòn khí trời dễ chịu hơn, không còn cái nắng gay gắt đến cháy da của mùa Hạ oi bức.  Thế vào là những cơn gió man mác thổi về và thỉnh thoảng hơi lạnh kéo đến vào những đêm khuya.  Hồi đó Mẹ cũng bị đẩy vào trại cải tạo tại Hóc Môn với cái lý do gán ghép thường tình là “đã từng phục vụ cho chế độ cũ.”

Tôi nhớ lâu lắm rồi không có Mẹ ở nhà, cả Ba nữa.  Nhiều tối, tôi hỏi bà Ngoại, “Sao ba mẹ đi đâu mà lâu về quá hả ngoại?”  “Ba mẹ con đi trình diện rồi.  Mai mốt mới dìa.”  Ngoại trả lời mông lung.  Với hơn ba tuổi, tôi hiểu nghĩa chữ “trình diện” là đi làm, đi đâu đó xa nhà và tất nhiên không thắc mắc.  Có điều lâu lắm không gặp Mẹ, nhớ Mẹ quá tôi chỉ có cách chạy vô giường, nằm khóc một mình.  Nhiều lúc thấy vậy, anh và hai chị rủ tôi đi ra ngoài sân chơi rồi tôi cũng quên đi…

Sau khi Mẹ đi tù hơn một năm, gia đình tôi được giấy phép “thăm nuôi” Mẹ.  Cả nhà vui mừng biết mấy!  Các dì tôi đi lo đăng ký xe lam trước vì có tới chín người, bà Ngoại, bốn dì, và bốn anh chị em chúng tôi.  Theo lời Ngoại, các dì ngày nào cũng đi tìm mua sắm những vật dụng cá nhân, thức ăn khô, tươi, thuốc men cho Mẹ.  Bốn anh em chúng tôi trông từng ngày, từng giờ để được gặp lại Mẹ.  Nhưng có một điều trong thư thông báo cho gia đình sao không thấy Mẹ nói gì về Ba của chúng tôi?  Thắc mắc trong lòng nhưng rồi có lẽ lúc đó tôi cứ ngỡ sẽ được gặp lại Mẹ và dĩ nhiên có cả Ba nên chẳng thèm hỏi ai.

Khi khí trời bắt đầu se lạnh, ngày thăm nuôi Mẹ cũng đến.  Đúng chín giờ, trại mở cổng cho thăm nuôi.  Từ căn phòng nhỏ dành cho các thân nhân ngồi đợi, tôi thấy rõ Mẹ bước ra từ trong dãy lán với những bước chân vội vã và trên tay hình như đang ôm chặt một gói quà.  Gặp chúng tôi, Mẹ ôm chầm lấy ngay và khóc nức nở.

Mẹ hốc hác đi rất nhiều, mắt Mẹ thâm quầng đen, bàn tay Mẹ gầy guộc run run khi ôm chúng tôi vào lòng.  Ba chị em chúng tôi sà vào lòng Mẹ, người bóp bàn tay khô nứt, kẻ dụi vào lồng ngực Mẹ, vuốt những sợi tóc bạc xõa dài trong ràn rụa nước mắt.  Hai chị tôi hỏi đủ thứ chuyện, Mẹ không kịp trả lời nhưng riêng anh Hai tôi, một mình ngồi tách xa ra, mặt quay vào vách.  Và anh không khóc.  Sau này, đến khi lớn lên một chút tôi mới hiểu ra, có thể bấy giờ anh Hai đã mười tuổi, anh có suy nghĩ nên đã giận Mẹ.  Anh giận vì tại sao Mẹ đành đoạn bỏ nhà đi để bốn anh em chúng tôi côi cút mồ côi sống nhờ vào bà Ngoại, các dì, và những người thân trong gia đình.  Thỉnh thoảng Mẹ nhổm người lên kéo anh Hai vào lòng nhưng rồi anh cũng xê dịch ra xa, không nhìn Mẹ mà cũng không nói gì hết.  Giờ thăm nuôi có hạn nên ai cũng vội vã nói rất nhanh.  Mẹ hỏi anh em tôi học hành thế nào, có ngoan có nghe lời bà Ngoại và các dì không, có viết thư thường xuyên gửi cho Ba tôi ở ngoài Sơn La, miền Bắc không…  Ba tôi?  Ba tôi đâu?  Tại sao không có Ba cùng Mẹ ở đây?  Ba đang ở Sơn La là nơi nào?  Thay vì trả lời những câu hỏi của tôi, Mẹ òa khóc và kéo tôi ôm vào lòng, Mẹ ôm tôi thật chặt đến ngộp thở.  Tôi cố vùng mạnh thoát ra, dường như tôi đang giận lẫy Mẹ, đúng hơn đang trách Ba, tại sao không chịu gặp mặt chúng tôi.

Giờ thăm nuôi chấm dứt, chúng tôi chia tay Mẹ trong ràn rụa nước mắt.  Riêng tôi, vừa khóc như không muốn rời xa Mẹ vừa hờn giận tại sao Mẹ không chịu về cùng với chúng tôi.  Hai Mẹ con dằng co, níu kéo như thế rất lâu.  Thấy Mẹ khóc, tôi càng khóc to hơn, rũ rượi.  Sợ Mẹ tôi sẽ bị vi phạm nội quy và có ảnh hưởng đến những lần thăm nuôi tới, bà Ngoại nói dì Út bồng tôi chạy nhanh ra khỏi cổng mặc cho tôi gào thét, “Mẹ ơi! Mẹ ơi mẹ!  Tại sao mẹ không về chung…tại sao mẹ bỏ con…tại sao…tại sao?”

Trên quãng đường trở về, chẳng ai nói với ai một lời chỉ còn lại tiếng khóc thút thít của Ngoại và chị em tôi.  Bất thần, anh Hai chợt quay sang ôm tôi vào lòng, tôi như thể bị nghẹt thở và cũng nhận ra rằng trên tay anh còn gói quà của Mẹ mà chúng tôi đã quên chưa mở ra xem.  Đó là bốn chiếc áo len và một bức thư…

“Hóc Môn, ngày…, tháng…, năm 1976

…mẹ chẳng có quà gì khác cho các con trong mùa Đông năm nay ngoài những chiếc áo len mà mẹ đã đan từ những sợi len đã tháo ra những chiếc áo cũ của mẹ.  Mẹ đang cố đan cho kịp kỳ thăm nuôi này để các con có áo mặc vào mùa Đông.  Mẹ lo sợ không kịp lần này thì phải đợi đến 6 tháng sau tới kỳ thăm nuôi khác, qua mùa Đông mất rồi!  Mẹ đã thức nhiều đêm và cố gắng ráng đan xong cái áo thứ tư cho út Quỳnh vào tối nay…”

Bốn anh em chúng tôi siết chặt chiếc áo len Mẹ đan vào lòng như có luồng hơi ấm từ Mẹ tràn vào, sưởi ấm tâm hồn lạnh buốt của chúng tôi.  Một cảm giác kề cận bên Mẹ dâng trào mãnh liệt.

Mùa Đông 99′

Kỷ Niệm

Kính tặng Ba, người về từ cõi chết của các trại tù cải tạo

Lần đầu tiên gặp lại người cha sau tám năm xa cách đã để lại trong tôi cả một kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như tất cả các sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Ba bị đẩy vào trại cải tạo, thực chất là những trại tù khổ sai mà không hề được xét xử gì cả.  Lúc đó tôi còn quá nhỏ để nhớ lại những chuyện gì đã xảy ra đến với gia đình chúng tôi.  Tất cả chỉ là mường tượng và mơ hồ.  Ngay cả khuôn mặt của Ba ra sao, thật sự tôi cũng hoàn toàn không nhớ.  Chỉ có một điều duy nhất tôi được biết là Ba rất giống bác Bảy tôi.  Mỗi lần bác từ quê lên thăm chúng tôi, tôi đều nhảy tót vào lòng bác để được nghe bác kể những kỷ niệm thời thơ ấu của Ba và bác.  Những lúc đó, tôi cố nhìn thật rõ khuôn mặt, nụ cười của bác để có thể hình dung được phần nào hình ảnh người cha yêu quí của mình.

Bác cao to, vai rộng, dáng rắn chắc và cứng cỏi của dân miền quê Nam Bộ.  Nước da bác ngâm đen mà người ta vẫn thường gọi nước da bánh ích.  Mỗi lần bác cười, ánh mắt bác rạng ngời, toát lên một sức sống và niềm tin mãnh liệt.

Mùa hè năm 1983, gia đình chúng tôi nhận được tin vui là Ba đã được chuyển từ trại Tân Lập, Vĩnh Phú ở miền Bắc về K5 – Z30, Hàm Tân, Bình Thuận.  Mẹ tôi mừng lắm, bà không ngớt nói cho chúng tôi biết là có thể gặp được Ba.

Mẹ tôi chạy đôn chạy đáo lo đủ tiền mua năm vé xe đò cho cả nhà và dĩ nhiên mẹ còn dành ít tiền mua quà “thăm nuôi” Ba.  Đêm trước lúc đi, tôi hồi hộp suốt đêm, không ngủ được.  Tôi lo sợ mẹ quên gọi tôi dậy, trễ chuyến xe đò thì làm sao gặp Ba đây.  Suy nghĩ, lo sợ miên man rồi tôi cũng thiếp đi một chút.  Khoảng vừa 3 giờ sáng, mẹ đánh thức cả bốn anh em chúng tôi dậy để kịp chuyến xe đò đầu tiên lúc 5 giờ sáng đi từ bến xe Hàng Xanh ra Hàm Tân.

Cả đoạn đường đối với tôi sao dài thăm thẳm.  Phần vì xe đò nhét đầy nào người nào hàng hóa, phần phải qua năm lần bảy lượt đưa rước khách thêm, và cũng phần tôi quá nôn nóng muốn gặp lại Ba.  Đi đến trưa, xe bắt đầu dừng lại từng “K” một cho thân nhân gia đình xuống.  K1 trước tiên rồi từ từ đến K5 của Ba.

Sau những thủ tục rườm rà phải có cho buổi “thăm nuôi”, các cán bộ trại giam đưa tất cả thân nhân vào sâu trong trại.  Con đường mòn khá xa độ chừng hai cây số.  Dọc hai bên đường, hàng cây so đũa rợp bóng mát.  Những cánh hoa so đũa màu trăng trắng óng ánh dưới nắng hè lấp lánh.  Những làn gió mát thổi hiu hiu, thoang thoảng hương đồng nội của mùi cỏ, mùi rơm pha lẫn trong mùi đất và đâu đó có cả chút hương của những chùm hoa dại dòng dành ven đường.  Thỉnh thoảng chúng tôi thấy từng tốp những người tù cải tạo đang cuốc đất, đào xới xa xa.  Lúc thấy chúng tôi đi ngang, họ dừng công việc trong chốc lát, vẫy nón, vẫy tay chào mọi người.  Chúng tôi cũng vui mừng vẫy chào đáp lại họ.  Có thể trong số đó có cả Ba hay những người anh em đã cùng chia xẻ đắng cay những tháng ngày lao khổ với Ba chăng?  Nghĩ vậy, tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui tột cùng và tôi đã cố vươn thẳng cánh tay bé nhỏ của mình tiếp tục vẫy chào.

Giây phút chúng tôi chờ đợi 8 năm trời đã đến.  Từng người một nối đuôi theo sau từ trong cánh cổng kín ra ngoài dãy lán “thăm nuôi”.  Trong khoảng khắc đáng ghi nhớ nhất, tôi cố hình dung khuôn mặt của bác để tìm cho ra người cha tôi hằng mong đợi gặp mặt.  Cứ thế tôi tìm tôi kiếm để xem ai trong đoàn người ấy là Ba.  Bất thình khi tôi chưa kịp nhận ra thì nghe tiếng kêu nghẹn ngào của mẹ, “Ba kìa, mấy đứa ơi!”  Tôi ngơ ngác nhìn quanh và cố gắng nhìn theo tay mẹ nhưng đâu, đâu, ai là Ba?  Có phải bác cao cao đội chiếc nón rơm đó không, hay bác mặc chiếc áo vải bố màu vàng úa đã bạc rách?  Không, cũng không phải vì bác đó không nhìn đến mẹ mà cũng chẳng cười với chúng tôi.  Vậy là ai, ai là Ba?  Tôi chưa kịp định thần thì anh Hai tôi đã vụt chạy ra khỏi lán, ôm chầm lấy một người đàn ông.  Anh ôm rất chặt và bật khóc.  Còn tôi ư, tôi lùi lại vài bước và nép sát bên hông mẹ.  Mẹ choàng tay ôm tôi vào lòng.  Trong vòng tay siết chặt của mẹ, tôi cảm nhận được chút gì xót xa và đau đớn.

Tôi bàng hoàng hay nói đúng hơn là sững sờ trước sự khác biệt quá lớn so với hình ảnh thật của Ba mà tôi đã vẽ vời, mường tượng ra từ bác.  Cũng với dáng dong dỏng cao và gương mặt hao hao giống bác nhưng nét mặt hằn rõ sự khắc khổ và tiều tụy.  Cũng ánh mắt chứa chan tình cảm như bác, sao phảng phất tia lo âu và nhọc nhằn.  Cũng gò má xương xương của bác mà lại hiện lên nét cơ cực và đói khổ.  Mặc dù Ba nhỏ hơn bác đến gần chục tuổi nhưng Ba lại già hơn và trong nụ cười có cái gì đó hàm chứa nỗi lao khổ, sự đọa đày, uất hận.  Tuy Ba luôn cười mừng rỡ khi gặp lại chúng tôi nhưng Ba không giấu được sự mệt mỏi pha lẫn nỗi lo âu cùng tận.  Thỉnh thoảng Ba xoa đầu 4 anh chị em tôi rồi ôm vào lòng thật chặt từng người một.  Ba còn hỏi tôi nghe nói dạo này út giỏi lắm biết theo phụ mẹ và các anh chị buôn bán nữa nhưng sao, sao út không nói gì hết?  Cổ họng tôi lúc đó cứ nghẹn thắt lại, thốt chẳng nên lời. 

Tôi cảm thấy căm ghét chính mình.  Tại sao bao nhiêu lời yêu thương, tôi định bụng từ lúc ở nhà sẽ nói với Ba mà giờ đây khi đối diện với Ba, tôi không thể thốt ra dù chỉ nửa lời.  Bao nhiêu suy nghĩ trong đầu tôi ngổn ngang lúc đó, tại sao và tại sao?

Vẫn con đường mòn từ trại trở lại đường cái nhưng bây giờ sao thấy nó ghập ghềnh và khó đi quá!  Những đám bụi đỏ thốc lên cuốn theo mùi khen khét của cơn nắng hạ khô rốc.

Ba ơi, hãy tha lỗi cho con!

Mùa Đông 99′


Leave a comment