mối tình cầm xuống tuyền đài

  • trầm hương (UT)

(trích tạp ghi Quanh Đời Sống do Trầm Hương phụ trách trên nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn những năm hai ngàn lẻ mấy 🙂 ) 

digital painting bt maiphuong

digital painting by maiphuong

Tôi luôn là kẻ chậm tiến và chậm tiêu với kỹ thuật trong đời sống. Khi phong trào vẽ không bằng cọ (tay) mà bằng con chuột máy vi tính bắt đầu khởi sự rầm rộ, tôi vẫn khư khư không chịu nhả cây cọ lông Trung Quốc (= cái cọ làm bằng lông thỏ của Trung Quốc chứ không phải là cái… hair của người Trung Quốc) và những tuýp màu đủ cỡ. Nhà tôi nhẹ nhàng: “Em thử đổi sang vẽ trên máy vi tính xem sao.”. Tôi bĩu môi, “Dùng con chuột để vẽ ấy à? Sao gọi đó là tranh được?” Cậu nhỏ – em người bạn- đang học Graphic Design ở đại học Mỹ phân bua: “Những softwares về art bây giờ hay lắm. Chị cũng pha màu, chọn cây cọ hay bút chì, bút mực rồi vẽ mà không sợ bị dơ quần áo. Lại khỏi phải rửa dọn”. Trời, họa sĩ ăn tiền ở những vệt màu lấm lem trên y phục, cái dấu ấn nghệ sĩ gồ ghề mà “chú ấy” dám gọi phàm tục là “dơ”. Không được. Nội cái chuyện không có những vết dơ đã khiến tôi thêm ác cảm với con chuột.

Nhà tôi là dân computer nên yêu máy vi tính cực kỳ. Năm 1993, trong nhà đã có đến 3 cái computer hiện đại. Bạn bè tới chơi bảo, “Nếu ông ở VN, có thể mở trường được đấy”.
Yêu là phải nhìn cùng về một hướng. Chàng không chấp nhận tôi cứ khăng khăng ngó lơ về hướng không có computer. Chàng thuyết phục, “Em đổi đi. Bây giờ là thời đại điện tử. Em không chịu học cái mới là chỉ có ở nhà”.

Ủa, trước giờ, có hay không cái computer, tôi vẫn ở nhà cơ mà :). Không muốn tỏ ra mình thích ở nhà, tôi chống chế: Em sợ computer. Gì mà rắc rối quá.

Thấy tôi cứ lần lữa với lý do sợ cái máy, một ngày, không chịu nổi, chàng gào lên: “Ngu như thằng cu An mà cũng biết xử dụng computer. Em là mẹ nó mà em không học được sao?” Cu An là út, mới 4 tuổi. Tự ái bà Triệu (không có ẩu) của tôi nổi lên đùng đùng. Tôi bắt đầu ngồi vào máy vi tính, tự học. Bây giờ, chồng tôi hãnh diện:” Không có anh, làm sao em… hành nghề giỏi như hiện tại.”.

Bước qua cái điện thoại di động. Tôi chỉ mới cầm trong tay một cái di động khoảng 2 năm nay. Nếu không có nhu cầu công việc và bị ông chủ dúi vào tay cái “xeo” để tiện bề truy tầm tung tích nhân viên, có lẽ tôi cũng sẽ không phải đi-đâu-cũng-bị-tóm như bây giờ.

Những ngày đầu đến khổ. Đang lái xe, chuông reo. Thò tay vào ví lục lọi, ngoáy loạn lên vẫn không tìm ra. Tắp xe vào lề đường thì chuông tắt. Đành thua, không biết cách nào lần ra số phone người gọi đến. Trong sở, chuông reo. Chạy lung tung kiếm xem nó đang ngự ở đâu. Thường nhất là “sự cố” quên bật “on”” cái phone. Ông chủ phàn nàn: “Mua cho cô cái cell phone để làm gì? Lạ thật!” Bạn bè gọi không được, để tin nhắn tùm lum. Thấy dòng chữ báo có message trong voice mail mà không biết làm sao mở ra nghe. Đành là gặp bạn để nghe mắng tại “hiện trường”. Cứ thế, cái cell phone được dùng nhiều nhất vào những lúc tôi lạc đường. Chỉ một chiều từ tôi gọi đi mà ít khi để nhận tin đến.

Dẫu thế, khi thiếu nó, tôi mới nhận ra sự quan trọng vô cùng của phương tiện truyền thông cá nhân đầy tiện ích này. Một ngày, cái “xeo” yêu quý bị tuột khỏi tay tôi, rơi tõm vào thùng nước chứa hoa. Tôi hốt hoảng vớt ngay ra để chỉ còn kịp nghe nó thở hắt một hơi não lòng và im luôn. Tôi liều mạng mở bung tất cả những chỗ nào có thể mở được, lôi hết lòng ruột ra thấm nước, phơi khô. Thế nhưng chết là hết. Chết là chết. Là tôi phải moi túi (mình) đi mua cái “xeo” khác.

Ra tiệm bán điện thoại hỏi giá, nhắc nhở người bán rằng tôi chỉ cần cái nào cù lần nhất, khỏi kiểu cọ, options gì cả. Người bán nhe răng: “Vậy sao không vô chương trình mới? Được free điện thoại tối tân. Chỉ trả 29.95/tháng”. Tôi lắc đầu: “Không được. Chủ trả tiền hàng tháng cho tôi . Tôi chỉ muốn mua cái điện thoại thôi”. Hỏi mấy nơi, chỗ rẻ nhất là 130.00 đôla. Chỗ cao nhất 165.00 đôla. Thế thì khỏi dùng cho rồi.

Bởi vì “chíp” nên tôi mới thiếu “nó”. Bởi vì đang không có “nó” nên tôi mới thông cảm và tâm đắc vô cùng với bản tin thuộc loại “mối tình mang xuống tuyền đài” đọc được trên “net” vào ngày 9 tháng 11, 2005.

oldcellphones2_18_06_08Theo bản tin của AFP gửi đi từ thành phố Dublin của xứ Ái Nhĩ Lan, sư si mê điện thoại di động đã khiến càng ngày càng có nhiều người dân xứ này muốn cái mobile phone yêu quý cùng đi theo mình sang bên kia thế giới. Thống kê cho thấy có đến 94% giới trẻ tại Ái Nhĩ Lan là chủ nhân của 1 cái mobile phone và còn coi mobile phone như vật trang sức không thể thiếu.

Ái Nhĩ Lan có phong tục chôn theo người quá cố những đồ vật họ yêu quý nhất và thực tế cho thấy con số điện thoại di động muốn được bỏ vào quan tài càng lúc càng gia tăng một cách đáng kể.

Theo ông Peter Flanagan, chủ nhà quàn Kirwan tại Dublin thì “ “Có một số ngưòi lo sợ bị chôn lúc chưa chết hẳn. Nếu chuyện đó xẩy đến, họ có thể dùng điện thoại di động để liên lạc với thế giới bên ngoài”.”

Flanagan nói, mobile phone đã thay thế cho những đồ vật thường được bỏ vào quan tài trước kia như hình ảnh gia đình và nhẫn cưới hay cả rượu whiskey mà thuở sanh tiền “”người”” thường nhâm nhi. Và dĩ nhiên, khi gửi gấm cái mobile phone (để dùng trong trường hợp…  emergency) cho người quá vãng, gia đình được khuyên nên tắt cái phone, hoặc đổi tiếng chuông sang “silent” (im lặng), hay “vibration” (rung) bởi vì dĩ nhiên, không ai muốn chuông điện thoại reng ầm ĩ trong quan tài khi tang lễ đang đến hồi sầu thảm nhất.

Một giám đốc nhà quàn khác, ông Keith Massey thì lại để ý hiện tượng chôn cái di động xẩy ra thường hơn với giới trẻ.

Khi một người trẻ qua đời, điều đó gây xúc động nhiều hơn là với người cao niên. Bạn bè của họ không biết làm sao đối phó với cái chết. Trong quan tài của các thanh thiếu niên thường đầy nghẹt những đồ vật cá nhân và điện thoại di động thì càng ngày càng được bỏ vô nhiều hơn. Lý do vì mobile phone đã trở thành phần lớn của đời sống giới trẻ hiện đại, nhất là với con gái”

Vẫn theo Massey, ngay cả khi người chết được ướp xác, họ vẫn đặt cái điện thoại bên cạnh để trong trường hợp xác ướp may mắn… sống lại thì có ngay phương tiện để liên lạc với thế giới văn minh. Nhiều người còn dị đoan đến độ tắt điện thoại để nếu đương sự mở mắt, cục pin vẫn còn điện để họ mở phone, gọi líu lo ra ngoài liền một khi.

HLG_PhoneDeathĐây quả là tin vui cho những người đã qua đời mà vẫn còn luyến lưu trần thế, phải không bạn? Nhà tôi là một người hay lo xa và vô cùng cẩn thận. Hẳn rằng bản tin sẽ khiến anh thấy mình gần gũi hơn với người Ái Nhĩ Lan chứ không phải người Việt gốc liều mạng như tôi :).  Tuy nhiên, người ta thường bảo, vợ chồng chung sống lâu năm tự nhiên sanh ra… giống nhau. Tôi cũng thế. Đọc xong bản tin, bỗng dưng tôi biết lo xa và tự hỏi, thế thì hãng điện thoại sẽ gửi cái bill đến ai trong cái “kê” mối tình mang xuống tuyền đài như thế này? Không thể cắt đường dây hot line 🙂 vì như thế, sẽ giết đi niềm hy vọng của người chết. Người chết dứt khoát không thể chết … 2 lần như vậy!

Rồi tôi lại tưởng tượng nửa đêm, đang trong giấc điệp mơ màng, bỗng nhiên chuông điện thoại nhà kêu tha thiết. Nhấc lên, đầu dây bên kia là tiếng cười rúc rích của cô bạn vừa được tôi “Vô cùng thương tiếc” tháng trước: Hương ơi, bồ khoẻ không?

Ui chao, nếu bạn không quăng cái phone và rú lên thì tôi dám chắc bạn là người …… Anh.

One thought on “mối tình cầm xuống tuyền đài

  1. mp's florist says:

    Bạn ui, bởi vậy mà các Cụ có câu “Nữ nhơn nan hóa” (còn “Nam nhơn thì … biến hóa” hehe)
    Cái hình vẽ gọi phone từ nấm mộ sâu phải không ? 🙂 🙂

    Like

Leave a comment